An toàn lao động ở công trình xây dựng: Làm theo kinh nghiệm, phớt lờ quy chuẩn
Thứ tư, 20/07/2016,
Tai nạn lao động (TNLĐ) có người chết ở lĩnh vực xây dựng đang ở mức báo động, chiếm gần 2/3 tổng số vụ TNLĐ có người chết trên địa bàn TPHCM. Trong khi việc quản lý nhà nước về an toàn lao động tại các công trình còn thiếu sót, thì nhiều chủ đầu tư, tư vấn giám sát, nhà thầu lại chưa làm hết trách nhiệm của mình nhằm đảm bảo an toàn và chính bản thân người lao động nhiều khi cũng “giỡn mặt tử thần”.
Chưa an tâm
Công trình cao ốc 117-117A Lê Đức Thọ, phường 17, quận Gò Vấp, TPHCM, đang thi công phần thô tầng 14. Công nhân có 2 cách để đi lên các tầng cao ở công trình xây dựng này, bằng vận thăng hoặc cầu thang tạm phục vụ thi công. Leo lên chiếc cầu thang tạm quả là một thử thách. Cầu thang được làm thưa bậc, không có đủ lan can, tay vịn và không có chiếu nghỉ chuyển hướng. Việc thi công tại đây còn để xảy ra nhiều hành vi mất an toàn. Ngày 16-6, một số công nhân ngồi ngay mép sàn trên tầng cao cúi xuống, lúi húi trám hồ vào các khe bê tông mà không đeo dây an toàn. Cả công trình được bao che toàn bộ bằng một lớp giàn giáo nhưng không có mái hứng vật rơi, xung quanh công trình, cũng không có lưới chống rơi. Các mép sàn, lỗ thông tầng, hố thang máy… được che chắn sơ sài, không có đủ lan can tạm bảo vệ chống ngã cao. Một số giàn giáo thi công không dựng nghiêm chỉnh mà tựa vào tường, cũng không có mâm sắt để công nhân đứng làm cho chắc chắn. Ông Nguyễn Quang Khải, Thanh tra viên Sở LĐTB-XH TPHCM, Trưởng đoàn Thanh tra nhắc nhở đơn vị thi công, công nhân cần lắp đặt giàn giáo bài bản theo quy chuẩn chứ không tùy tiện làm theo kinh nghiệm.
Công nhân thi công cao ốc 117-117A Lê Đức Thọ, quận Gò Vấp đi lên tầng 14 bằng lối đi tạm chưa an toàn
Tương tự, tại công trình xây dựng Bệnh viện Nhi đồng TPHCM (huyện Bình Chánh), một số công nhân xây dựng vô tư làm việc ngay mép sàn trên tầng cao nhưng cũng không sử dụng trang bị bảo vệ cá nhân. Khi đoàn Thanh tra Sở LĐTB-XH TPHCM kiểm tra thực tế vào ngày 14-6, đại diện đơn vị vội vàng dùng còi tuýt tuýt nhắc nhở người lao động mau sử dụng phương tiện bảo vệ cá nhân, mặc dù cán bộ thanh tra khuyến nghị không nên đánh động bất thình lình như vậy kẻo công nhân giật mình thì rất nguy hiểm.
Bất chấp thời gian qua đã xảy ra nhiều vụ TNLĐ chết người do điện hay cháy nổ vì chập điện, tại nhiều công trình xây dựng, việc sử dụng điện vẫn rất ẩu. Một số công nhân ở công trình xây dựng Bệnh viện Nhi đồng TPHCM vô tình để giàn giáo nghiến qua dây điện. Công nhân xây công trình cao ốc 117-117A Lê Đức Thọ lại trực tiếp cắm dây các
máy trộn bê tông,
máy cắt sắt vào ổ điện mà không sử dụng phích cắm.
Thậm chí, việc vận hành các thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn như vận thăng, cần trục tháp cũng không nghiêm ngặt. 4 công nhân vận hành và phụ vận hành cần trục tháp và vận thăng ở công trình xây cao ốc 117-117A Lê Đức Thọ có chứng chỉ huấn luyện an toàn nhưng chưa cung cấp được bằng nghề. Ngược lại, công nhân vận hành cần trục tháp, vận thăng ở công trình xây dựng Trường Cao đẳng Công thương TPHCM (quận 9) có bằng nghề nhưng lại không có chứng nhận huấn luyện an toàn. Hai vận thăng nâng hàng ở công trình này không có khung đế giảm chấn, không có vòng rào an toàn, không có bộ phận khống chế hành trình. Kiểm tra thực tế, một thang nâng hàng có phanh hãm chống rơi nhưng không hoạt động.
Đề nghị đưa chi phí an toàn vào chi phí bắt buộc
Trong tháng 6-2016, Thanh tra Sở LĐTB-XH TPHCM bắt đầu triển khai đợt cao điểm thanh tra chuyên đề an toàn vệ sinh lao động tại các công trình xây dựng. Bước đầu, 16 công trình xây dựng đã được thanh tra. Không những phát hiện nhiều hành vi lao động mất an toàn, qua kiểm tra thực tế, đoàn ghi nhận việc tuân thủ giờ giấc, pháp luật lao động cho lực lượng lao động chưa được chu đáo. Ông Nguyễn Quang Khải cho biết, cả công trình xây dựng Trường Cao đẳng Công thương TPHCM chỉ có 18 lao động được ký hợp đồng nhưng không rõ thời hạn, mức lương; còn lại 72 người làm việc theo hợp đồng giao khoán nhân công. Có 86 lao động làm việc thời vụ tại công trình không có hồ sơ khám sức khỏe khi tuyển dụng. Tại công trình Khu chung cư phức hợp M1 - M2 (Sarimi; quận 2), ngày 17-6, còn hơn 20 lao động làm việc nhưng chỉ có 1 nửa lao động được ký hợp đồng lao động. Tất cả người lao động ở các công trình này đều chưa được huấn luyện an toàn lao động.
Ông Huỳnh Tấn Dũng, Chánh Thanh tra Sở LĐTB-XH TPHCM cho biết, tình trạng phổ biến ở các công trình xây dựng là công nhân phải làm việc quá giờ, làm thêm nhiều. Do tiến độ các hạng mục, công việc đổ bê tông thường thực hiện vào ban đêm và các nhà thầu thường vi phạm về thời gian làm việc ban đêm. Tuy nhiên, tiền lương làm việc ban đêm, tiền làm thêm giờ cho người lao động không được chấm, trả đúng, gây thiệt thòi cho người lao động. Ông Huỳnh Tấn Dũng chia sẻ: “Chúng tôi tiếp tục nâng cao năng lực, tăng cường thanh kiểm tra và xử lý nghiêm các hành vi cố ý vi phạm của doanh nghiệp”. “Chi phí an toàn chưa được chú trọng. Một số nhà thầu hạ giá thành thi công công trình để thắng thầu rồi thi công thì cắt giảm luôn chi phí an toàn. Bộ Xây dựng cần quy định đưa chi phí an toàn vào chi phí bắt buộc trong tổng mức đầu tư công trình”, ông Huỳnh Tấn Dũng đề nghị.
Theo Chánh Thanh tra Sở LĐTB-XH TPHCM, TP đang có khoảng 500 công trình xây dựng nhà cao tầng và 30.000 công trình xây dựng nhà dân. Hàng năm, sở chỉ thanh tra an toàn lao động được 20% các công trình xây dựng nhà cao tầng. Vì vậy trên thực tế, nhiều doanh nghiệp vi phạm nhưng không được phát hiện, xử lý.